Bánh và rượu : ân huệ giao ước, tình yêu, sự sống và niềm vui
Bánh là לֶחֶם leḥem trong tiếng Híp-ri và ἄρτος trong tiếng Hy-lạp.
Tại Ít-ra-en, bánh là thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống. Tác giả sách Sáng thế nhận thức con người “phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” (St 3,19). Có bánh ăn hay không có bánh ăn là dấu hiệu của phúc lành hoặc ngược lại là tai hoạ. Trong suốt hành trình 40 năm trong sa mạc, ông Mô-sê giới thiệu man-na “là bánh ĐỨC CHÚA ban cho dân ăn” (Xh 16,15). Trong niềm tin Do-thái giáo, “Chúa đã lấy lương thực thiên thần mà dưỡng nuôi dân Chúa, dọn sẵn cho họ bánh bởi trời, bánh họ không nhọc nhằn tìm kiếm, bánh có muôn hương vị, thoả mãn mọi sở thích. Quả vậy, lương thực Chúa ban vừa biểu lộ tình thương mến ngọt ngào Ngài dành cho con cái, vừa có thể đáp ứng những khao khát” và “theo ước muốn của từng người” (Kn 16,20-21), và tặng phẩm man-na còn nhấn mạnh đến cách Thiên Chúa giáo dục dân Ít-ra-en sống lòng tin cách thiết thực và quyết liệt. Kinh Talmud của Do-thái giáo nói : “Người có đủ bánh ăn hôm nay mà băn khoăn không biết ngày mai sẽ ăn gì là người kém lòng tin”. Trong tiếng Híp-ri, danh từ “bánh” (leḥem) có cùng gốc phụ âm với danh từ “cuộc chiến” (laḥam). Đón nhận bánh ăn vì thế còn được hiểu là một cơ hội thách thức, thử luyện giúp người tín hữu chiến đấu với chính mình, chất vấn mình : đối với Đấng đã ban tặng bánh sự sống, người tín hữu có bày tỏ lòng biết ơn hay không ? Khi thiếu bánh thì lòng tín thác vào Chúa có còn không ? Khi gặp những người nghèo khổ thì sống liên đới chia sẻ thế nào ? Dân Ít-ra-en đã được dạy chỉ cần “tin, lắng nghe, tuân giữ và thi hành Lời Chúa” thì đảm bảo họ luôn được sống và sống dồi dào. Vì vậy, ơn gọi của người tín hữu là biết nhận thức “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra” (Đnl 8,3).
Thiên Chúa là Đấng quyền năng sáng tạo luôn bảo đảm sự sống dồi dào cho con người qua muôn thế hệ. Sách Các Vua quyển thứ hai, chương 4,42-44 từng kể lại truyện ngôn sứ Ê-li-sa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều và ai nấy “đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời ĐỨC CHÚA phán”. Còn trong Tin Mừng, chính “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát” cho khoảng năm ngàn người, “ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý, và khi họ đã no nê rồi”, các môn đệ “thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch, chất đầy được mười hai thúng” (Ga 6,1-13). Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều là dấu chỉ cụ thể giúp người đương thời nhận biết Người là Chúa, đặc biệt trong Bữa Tiệc Ly, khi Đức Giê-su “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói : “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19), thì bánh trở thành biểu tượng cho sự sống vĩnh cửu, cho giao ước mới, cho sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người, bởi vì bánh này thay thế tất cả thức ăn hiến tế trong Cựu Ước, kể cả man-na từ trời, như Đức Giê-su quả quyết : “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian. Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !” (Ga 6,32-35).
Trong kinh Lạy Cha, bánh “ἄρτος” (Mt 6,11) được mô tả với tính từ “ἐπιούσιος” (epiousios), nghĩa là “hàng ngày”, cũng có nghĩa là từ ngày hôm nay cho đến mãi mãi. Do đó, người Ki-tô hữu xác tín Thân Mình Giê-su vừa là bánh hàng ngày, vừa là bánh cánh chung mà Thiên Chúa ban cho con người. Bánh vì thế là biểu tượng của sự sống đời đời, biểu tượng của hiến lễ duy nhất trọn vẹn là Giê-su mà con người đón nhận với lòng biết ơn và “tin” vào Đấng Thiên Chúa đã sai đến. Như vậy, đón nhận bánh cũng là đón lấy ơn khôn ngoan như sách Châm ngôn dạy : “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế ! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống ; hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (Cn 9,5), bước vào Nước Thiên Chúa vì “Phúc thay ai được ăn bánh trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14,15). Khi Đức Giê-su dùng bánh và rượu vào bữa ăn Vượt Qua, Người nhắc nhở con người phải trân trọng những gì Thiên Chúa ban cho hôm nay đồng thời suy nghĩ về những gì sẽ đến trong bữa tiệc cánh chung như lời Người tuyên bố : “Thầy bảo cho anh em biết, Thầy sẽ không uống rượu này nữa cho đến ngày Thầy uống rượu mới với anh em trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29).
Rượu là sản phẩm từ vườn nho, từ lao công của con người. Gốc tiếng Híp-ri của Rượu là יַיִן yayin.
Trong đời sống thường nhật, người Ít-ra-en xếp rượu thuộc về “những gì cần thiết cho cuộc sống con người”, bên cạnh “nước, lửa, sắt và muối, tinh bột lúa miến, sữa và mật” (Hc 39,26). Rượu là biểu tượng của sự giàu có phồn thịnh, là phúc lành của Thiên Chúa ân ban. Rượu mang lại niềm vui phấn khởi cho con người “đem lại cho con người sức sống… và tâm hồn sung sướng, lòng dạ hân hoan, nếu uống rượu đúng thời đúng mức (Hc 31,25). Vì thế, trong Cựu Ước, rượu là phương thuốc cho những ai sầu não tuyệt vọng nhưng cần phải biết dùng điều độ để không rơi vào nghiện ngập say sưa, để tránh hậu quả “rượu như rắn cắn, như nọc độc hổ mang” (Cn 23,31-35 ; Hc 18,33 ; 19,2). Thánh Phao-lô có đề cập đến rượu như là thứ khơi dậy tính xác thịt khi khuyên rằng : “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày : không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tuông” (Rm 13,13) vì “những kẻ say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6, 10).
Mặt khác, khi dùng “rượu pha một dược”, người xưa làm giảm cơn đau đớn (Mc 15,23), và chữa lành vết thương khi “lấy rượu đổ lên và băng bó lại” (Lc 10,34). Hay như lời thánh Phao-lô khuyên ông Ti-mô-thê : “Từ nay anh đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn” (1 Tm 5,23)
Trong phụng tự Do-thái giáo, các vị tư tế thường bày ‘bánh’ tiến dâng như dấu hiệu của giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và dân Người, còn ‘rượu’ thì được rưới lên bàn thờ. Các ngày lễ Do-thái và các nghi lễ Sabbat luôn bắt đầu bằng việc chúc phúc cho bánh và rượu. Đặc biệt trong Seder, tên gọi bữa ăn lễ Vượt Qua trong gia đình Do-thái giáo, vị gia trưởng sẽ dâng bốn chén rượu và chúc tụng Thiên Chúa, liên quan đến bốn lời trong sách Xuất hành (6,6-7): “Ta sẽ cứu các ngươi khỏi phải làm việc khổ sai cho người Ai-cập, sẽ giải thoát các ngươi khỏi làm nô lệ chúng. Ta sẽ giơ cánh tay, dùng uy quyền mà chuộc các ngươi lại. Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta, và đối với các ngươi, Ta sẽ là Thiên Chúa”. Nâng chén rượu chúc tụng là tôn vinh Đấng đã dang cánh tay uy quyền mạnh mẻ cứu thoát dân khỏi cảnh đời nô lệ, là tạ ơn Đấng đã mang lại niềm vui ơn giải thoát. Niềm vui này được nối dài trong Tân Ước khi các tác giả Tin Mừng trình bày Đức Giê-su như là ‘rượu mới’, ‘rượu ngon’ cho con người (Mc 2,18-22 ; Mt 9,14-17 ; Lc 5,33-39, Ga 2).
Sách Lê-vi quy định “phàm người nào ăn bất cứ thứ máu nào, thì kẻ ấy sẽ bị khai trừ” (7, 27), vì máu là sự sống thuộc về Thiên Chúa. Vậy, Đức Giê-su có vi phạm luật này hay không, khi nâng chén rượu mà nói “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn dân được tha tội” (Mt 26,28) ? Chắc chắn là không, bởi vì Mô-sê đã ví von “máu trái nho đã hoá rượu nồng” (Đnl 32,14), và máu nho rượu nồng là chính Đức Giê-su khi Người chấp nhận đổ máu ra trên thập giá, để hàn gắn tương quan giao ước giữa Thiên Chúa với con người. Người Ki-tô hữu uống “máu trái nho” như thể “uống máu Đức Giê-su” là được thông dự vào sức sống của Đấng phục sinh, là lãnh nhận rượu nồng tình yêu Giê-su mà Thiên Chúa đã muốn ban tặng cho con người. Dụ ngôn cây nho và cành nho cho thấy điều Chúa mong muốn : đó là con người cần phải tháp mình vào Đức Giê-su để nhựa sống của thân mình Người luân chuyển trong con người và sinh hoa trái. Như vậy, hoa trái là kết quả của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người.
Có thể nói thêm rằng, trong tiếng Híp-ri, mỗi phụ âm đều có một giá trị số. Bằng cách cộng lại giá trị số của các phụ âm trong một hạn từ, sẽ có được tổng số. Hai từ có cùng giá trị tổng số sẽ ít nhiều mang lại ý nghĩa cộng hưởng độc đáo. Ví dụ : từ “rượu” (יַיִן - yayin) có giá trị số là 70 giống với từ “bí ẩn, kín nhiệm” (סוֹד - soḏ), và như đã biết, trong tiệc cưới Ca-na, khi nước lã hoá thành rượu ngon, rượu này tỏ lộ một điều bí nhiệm : Đức Giê-su chính là rượu mới, rượu ngon mang lại niềm hoan hỷ cho nhân loại trong ngày cánh chung. Tin Mừng Lu-ca còn ghi nhận quan niệm “rượu cũ là rượu ngon” khi ám chỉ giáo huấn Thiên Chúa ban tặng trong thời ông Mô-sê, nhưng đến thời Đức Giê-su thì “rượu mới lại là rượu ngon” bởi vì giáo huấn ấy là chính Đức Giê-su, Lời Thiên Chúa.
Bánh và rượu là hoa quả của đất, lúa thơm, nho chín và lao công của con người, là thực phẩm cơ bản trong cuộc sống hàng ngày và các ngày lễ của người Do-thái. Còn với Ki-tô giáo, bánh rượu mang một ý nghĩa hoàn toàn thâm sâu, cao trọng khi Đức Giê-su trong bữa ăn cuối cùng đã cầm lấy bánh “dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói : “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và bảo : “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,22-24). “Bánh - Rượu” trở thành “Mình – Máu Chúa” hiến tế để cứu chuộc nhân loại. Không ai có thể tưởng tượng được chính Đức Giê-su đã trao tặng cho con người một cuộc sống mà sự dữ cuối cùng là cái chết cũng không thể hủy diệt được, và đó là niềm vui sung mãn, vĩnh cửu cho người tín hữu.
Hàng ngày, mỗi khi cử hành thánh lễ, linh mục lặp lại những lời của Đức Giê-su “đây là Mình Thầy”, “đây là máu Thầy”, thì người Ki-tô hữu lại càng phải xác tín và bày tỏ tâm tình tri ân Đấng đã yêu thương ân ban sự sống vĩnh cửu cho con người. Giáo Hội không dạy chúng ta tham dự lễ hy sinh, nhưng là tham dự lễ tạ ơn. Gốc Hy-lạp của từ thánh lễ là εὐχαριστία (eukharistía) có nghĩa là lời và hành vi tạ ơn. Tham dự lễ tạ ơn là để gặp gỡ, hiệp thông với Chúa rồi sau đó người Ki-tô hữu sẽ được sai đến với thế giới và loan truyền Tin Mừng yêu thương.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúng con xin hết lòng cảm tạ vì công trình Chúa đã thực hiện trong Đức Ki-tô. Người là Con yêu dấu Chúa đã sai đến đổ máu đào cứu chuộc chúng con. Người là tấm bánh Chúa ban tặng, được bẻ ra để lập Giao Ước mới, tồn tại đến muôn đời. Xin ban cho chúng con lòng yêu mến và trí khôn ngoan, để chúng con nhận ra kỳ công Chúa đã làm vì yêu thương chúng con. Như thế, cùng với trời đất, chúng con dâng lên Chúa lời tụng ca muôn thuở, rằng Chúa là Đấng từ bi nhận hậu, Đấng giàu lòng nhân nghĩa đến muôn ngàn đời. A-men.
Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga CND
Nguồn: tgpsaigon.net